Cà phê Việt Nam dành cho việc thưởng thức một cách chậm rãi, tương tự như cách uống của người Pháp. Tuy nhiên, người Pháp uống cà phê trước khi ngày làm việc bắt đầu. Còn ở Việt Nam người ta thường bỏ ra ít nhất nửa tiếng mỗi lần uống cà phê và họ có thể uống vào bất cứ lúc nào trong ngày.
Người Việt uống cà phê vào buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, khi buồn, khi suy tư, khi stress công việc hay chỉ vì thói quen không thể bỏ.
Ngày nay, ở một số nước người ta coi việc uống cà phê như một thức uống phổ thông, ăn kèm với bánh trái và hoa quả. Ở Việt Nam, cà phê là một thức uống được ưa chuộng, đặc biệt vào buổi sáng. Các quán giải khát ( trừ các “bar”) thường gọi là “quán cà phê” mặc dù phục vụ những thức uống khác.
Ở các nước phương Tây, cà phê là chất xúc tác cho tinh thần làm việc. Còn ở Việt Nam, cà phê đi cùng với thú vui thư giãn với bạn bè. Có lẽ là do người phương Tây đặt cao năng suất lao động, còn ở một số quốc gia khác, mọi người lại đề cao sự thư giãn trong cuộc sống.
Gu cà phê tạo nên sắc độ văn hóa của từng địa phương. Người ta có thể nhìn vào cách uống, gu uống cà phê và nhận ra người đó là dân ở đâu. Ở những thành phố lớn có nền văn hóa “hợp chủng”, cà phê có nhiều sắc độ gu hơn. Những sắc độ văn hóa ấy “biển dâu” bao lần từ lúc cà phê theo chân người Pháp vào Việt Nam thời thuộc địa. Ngày xưa, người thưởng thức cà phê tập trung vào tầng lớp trung du quý tộc. Ngày nay, đông đảo người dùng có thể thưởng thức cà phê với giá cả phù hợp với túi tiền. Thậm chí, có những người làm việc ngay tại quán cà phê thay vì văn phòng.
Thú vui của việc uống cà phê ngày xưa là ngồi vừa nhìn những giọt cà phê rơi mà ngẫm nghĩ chuyện đời, nhân tình thế thái. Người ta cùng nói chuyện với nhau về tin tức của tờ báo hôm đó, về quan điểm cuộc sống, gia đình, bạn bè……Vì vậy, ly cà phê ngon mà có bạn hiền thì “ngồi đồng” từ sáng tới chiều tại quán cà phê thì cũng không phải không có.