Ly cà phê nguyên chất và lành mạnh luôn có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách, một màu nâu trong trẻo rất quyến rũ. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng lung linh.
Không hiểu vì sao nhiều người thích có ly nước phải có màu đen thui đen thùi, màu đen đục của hạt đậu, hạt bắp rang thay vì màu nâu hổ phách tinh anh, trong sáng của ly cà phê nguyên chất. Nói theo cảm quan, thực phẩm ăn uống mà có màu đen thui thùi thì đáng ra chúng ta phải nên cân nhắc nhiều hơn là dễ dãi tán thành.
Nếu quen với cà phê nguyên chất, nhìn ly nước màu nâu cách gián trong trẻo tự nhiên chúng ta đã có 1 cảm giác sạch, vệ sinh, thay cho cảm giác ái ngại khi nhìn ly nước đen thui.
Cà phê nguyên chất khi pha cà phê sữa sẽ không cho màu nâu đậm mà chỉ cho một màu nâu nhạt. Nhiều người ưa thích màu nâu đậm do hạt đậu, và bắp rang cháy tạo ra cho ly cà phê sữa. Không biết ưa thích như vậy để làm gì?
“Nước cà phê không sánh kẹo, dẻo quẹo.”
Độ sánh gần như nước uống thông thường là bởi cà phê chứa ít tinh bột.
Khi pha, nước của ly cà phê nguyên chất có độ sánh hầu như không đáng kể. Trái với nước của bột bắp rang hay bột đậu rang , vốn chứa rất nhiều tinh bột, nên rất sánh, rất đặc kẹo, thậm chí là sánh dẻo. Các bà nội trợ vẫn hay dùng bột bắp trong nhà bếp vì tính chất này.
Một số người tiêu dùng còn tự hào rằng mình là người hiểu biết về cà phê, cho rằng, ly cà phê ngon thì nước trong ly cà phê phải kẹo kẹo, bám trên thành ly và phải “ôm đá” và viên đá trong ly cà phê phải có màu nâu do nước cà phê song sánh, dẻo kẹo bám lấy đá.
Những điều đó chính là bằng chứng cho thấy trong ly cà phê ấy chỉ có rất ít cà phê mà toàn đậu nành rang. Đậu nành rang chứa nhiều tinh bột hiển nhiên là rất “ôm đá”. Cà phê thật không sánh dẻo và không “ôm đá”.